Ngày 12/12, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Theo Hướng dẫn do Bộ Y tế ban hành, rắn lục xanh đuôi đỏ thuộc họ Rắn lục (Viperidae) giống Cryptelytrops. Họ Rắn lục có nhiều giống và loài khác nhau nhưng có chung độc tính là gây rối loạn đông máu, chảy máu. Rắn Cryptelytrops albolabris (Tên cũ: Trimesurus albolabris) có tên Việt Nam là Rắn lục xanh đuôi đỏ, phân bố trên cả nước, thường sống trên cây.
Triệu chứng khi bị rắn cắn
Triệu chứng tại chỗ:
– Vết cắn: dấu móc độc biểu hiện có 2 dấu răng cách nhau khoảng 1 cm.
– Vài phút sau khi bị cắn sưng nề nhanh, đau nhức nhiều kèm theo tại chỗ cắn máu chảy liên tục không tự cầm.
– Sau khoảng 6 giờ phần tổn thương sưng nề lan rộng từ vết cắn có thể đến gốc chi dẫn đến toàn chi sưng to, đau nhức, tím, xuất huyết dưới da, xuất huyết trong cơ.
– Có thể có bọng nước, xuất huyết trong bọng nước. Có thể nhiễm khuẩn tại chỗ, hội chứng khoang.
Dấu hiệu toàn thân
– Chóng mặt, lo lắng.
– Tuần hoàn: có thể xuất hiện tình trạng sốc do mất máu: tụt huyết áp, da đầu chi lạnh ẩm, lơ mơ, thiểu niệu, vô niệu. Có thể có sốc phản vệ do nọc rắn.
– Huyết học: chảy máu tự phát tại chỗ, nơi tiêm truyền, chảy máu chân răng. Chảy máu trong cơ, chảy máu tiêu hóa, tiết niệu, chảy máu âm đạo, chảy máu phổi, não.
– Có thể có suy thận cấp.
Sơ cứu và điều trị
Bệnh nhân bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn cần được sơ cứu thích hợp, vận chuyển nhanh chóng và an toàn tới các khoa Cấp cứu hoặc khoa Hồi sức chống độc. Các bệnh nhân có chảy máu hoặc có xét nghiệm đông máu 20 phút tại giường dương tính phải được điều trị bằng huyết thanh kháng nọc rắn lục hoặc truyền máu và các chế phẩm máu.
Thảo luận về điều này post