Bệnh án điện tử (BAĐT) là một công cụ quan trọng trong việc hiện đại hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế. Việc chuyển từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý thông tin bệnh nhân mà còn cải thiện công tác khám chữa bệnh, tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm thiểu sai sót y tế. Tuy nhiên, việc triển khai BAĐT tại các bệnh viện cấp cơ sở đối mặt với nhiều thách thức lớn. Bài viết này sẽ phân tích các thách thức chính trong quá trình triển khai BAĐT và đề xuất các giải pháp để giải quyết chúng.

1. Hạn chế hạ tầng công nghệ thông tin và trang thiết bị công nghệ
Thiếu hệ thống máy chủ và khả năng lưu trữ dữ liệu là một trong những rào cản lớn nhất trong việc áp dụng BAĐT. Nhiều trung tâm y tế tuyến quận, huyện không có hệ thống máy chủ đủ mạnh để xử lý lượng lớn dữ liệu bệnh nhân, dẫn đến tình trạng chậm trễ hoặc thậm chí mất dữ liệu. Kết nối internet yếu và không ổn định, tốc độ mạng chậm khiến quá trình nhập liệu và truy xuất bệnh án bị gián đoạn. Bên cạnh đó, việc mua sắm máy tính, máy in theo quy trình đấu thầu tập trung còn nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến thiếu thiết bị, một vài công đoạn, nhân viên y tế phải tạm thời sử dụng bệnh án giấy, gây mất thời gian và giảm hiệu quả làm việc.
Giải pháp:
Để triển khai bệnh án điện tử một cách thuận lợi, cần chuẩn bị một hạ tầng CNTT đủ mạnh ngay từ lúc bắt đầu. Điều này sẽ giúp tránh gián đoạn trong quá trình triển khai, tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm thiểu các rủi ro không đáng có. Tất nhiên, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo bộ ngành và chính quyền địa phương là không thể thiếu, đặc biệt trong kế hoạch hỗ trợ tài chính để nâng cấp hệ thống máy chủ, kết nối internet và đồng bộ phần mềm y tế. Cơ sở khám chữa bệnh cũng cần xây dựng một kế hoạch lâu dài, có tiến trình cụ thể, dự trù kinh phí cho từng giai đoạn và xúc tiến tích cực trong quá trình triển khai BAĐT.
2. Thiếu nhân lực có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin
Nhiều bệnh viện tuyến cơ sở thiếu nhân lực chuyên ngành CNTT và cả nhân lực có kỹ năng sử dụng CNTT.
Vị trí làm việc chuyên ngành CNTT trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa được quan tâm và xây dựng đúng định mức so với sự phát triển ngày càng nhanh của thời đại chuyển đổi số. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ chưa phù hợp làm cho các cơ sở y tế khó tuyển dụng được nhân viên chuyên ngành CNTT có chất lượng.
Và không phải tất cả các nhân viên y tế tại các bệnh viện cấp cơ sở đều có đủ kiến thức và kỹ năng sử dụng CNTT. Việc thiếu hụt nhân lực có kỹ năng về CNTT dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc triển khai và duy trì hệ thống BAĐT.
Giải pháp:
Để giải quyết vấn đề này, chính phủ cần quan tâm nhiều hơn đến đãi ngộ cho cán bộ chuyên ngành CNTT làm việc trong khối ngành sức khỏe. Các bệnh viện cần tổ chức các khóa đào tạo và nâng cao năng lực về CNTT cho đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên hành chính. Bên cạnh đó, cần có đội ngũ chuyên gia của công ty phần mềm hỗ trợ và tư vấn trong quá trình triển khai, đảm bảo rằng đội ngũ nhân viên có thể vận hành và khai thác hệ thống một cách hiệu quả.
3. Lo ngại về bảo mật thông tin bệnh nhân
Bảo mật thông tin bệnh nhân là một vấn đề cực kỳ quan trọng trong việc triển khai bệnh án điện tử. Nguy cơ mất dữ liệu cao khi nhiều cơ sở y tế chưa có chính sách sao lưu dữ liệu thường xuyên. Đặc biệt, các bệnh viện cấp cơ sở, hệ thống bảo mật chưa đủ mạnh để bảo vệ trước các cuộc tấn công mạng, có thể dẫn đến mất dữ liệu hoặc xâm nhập trái phép khiến cho thông tin bệnh nhân dễ bị rò rỉ.
Giải pháp
Cần tăng cường các biện pháp bảo mật như mã hóa dữ liệu, sử dụng hệ thống xác thực người dùng và giám sát truy cập chặt chẽ. Các cơ quan quản lý cần đảm bảo rằng các bệnh viện tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu và thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ bảo mật của hệ thống.
Ngoài ra, các bệnh viện cần xây dựng chính sách hỗ trợ và giám sát. Cần có các chính sách hỗ trợ triển khai BAĐT đi kèm với giám sát chặt chẽ để đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả và ổn định.
Kết luận
Việc triển khai bệnh án điện tử tại các bệnh viện cấp cơ sở mang lại nhiều lợi ích quan trọng, nhưng cũng gặp phải không ít thách thức. Để giải quyết những vấn đề này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, bệnh viện và các chuyên gia công nghệ. Nếu được triển khai hiệu quả, bệnh án điện tử sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời cải thiện sự an toàn và hiệu quả trong quá trình khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Thực hiện chủ trưởng của Chính phủ và ngành y tế, đặc biệt là kế hoạch đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử của Sở Y tế thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2025 – 2030, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu cũng như các bệnh viện cấp cơ sở khác, cần chủ động đầu tư vào cơ sở hạ tầng CNTT, nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ cho đội ngũ nhân viên, và đảm bảo an toàn thông tin bệnh nhân. Đồng thời, sự quan tâm và hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, từ địa phương đến cơ quan chủ quản, là yếu tố quan trọng giúp TTYT quận Liên Chiểu triển khai thành công bệnh án điện tử.
Quốc Trí
Thảo luận về điều này post