TRUNG TÂM Y TẾ QUẬN LIÊN CHIỂU KHOA DƯỢC |
THÔNG TIN THUỐC THÁNG 9/2018
1. Những lưu ý khi bổ sung vitamin
DS. MAI XUÂN DŨNGSuckhoedoisong.vn
2. Dùng liên tục vitamin C gây hại gì?
DS. Hoàng Thu ThuỷSuckhoedoisong.vn
3. Bổ sung sắt ở thai phụ: Cần lưu ý gì để đạt hiệu quả?
TS. BS. Đặng Bùi Bảo Linh Suckhoedoisong.vn
4.Cẩn trọng khi dùng thuốc trị nấm fluconazole
Dược sĩ Thu An Suckhoedoisong.vn
1/ Những lưu ý khi bổ sung vitamin
Thực phẩm là nguồn cung cấp chủ yếu vitamin cho cơ thể. Nếu chế độ dinh dưỡng tốt, cơ thể chúng ta đã được cung cấp đầy đủ vitamin. Trong một số trường hợp do bệnh tật, người già yếu, phụ nữ có thai…, nhu cầu vitamin tăng cao hay khi chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ vitamin, các thầy thuốc sẽ chỉ định bổ sung vitamin cho cơ thể. Trong thành phần của các thuốc này, thường chứa nhiều loại vitamin nên còn được gọi là viên thuốc đa sinh tố (multivitamin).
Khi bổ sung vitamin cho cơ thể, cần lưu ý với các tương tác thuốc đối với từng loại vitamin có trong thành phần:
Vitamin A (retinol):
Vitamin A là vitamin tan trong dầu, có nhiều trong gan, bơ, sữa và các loại rau quả có màu cam hoặc xanh như: gấc, cà rốt, rau diếp… Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường thị lực, tăng trưởng xương, cấu trúc biểu mô, tăng cường hệ miễn dịch… Khi cơ thể thiếu hụt vitamin A sẽ gây ra bệnh khô mắt, quáng gà. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến mù!
Cần lưu ý:
– Không nên phối hợp vitamin A với các chế phẩm retinoid (có công thức tương tự vitamin A) như: isotretinoin, acitretin sẽ gây độc tính cho cơ thể (tương tự như độc tính do dùng vitamin A liều cao).
– Một số loại thuốc như: neomycin, cholestyramin, parafin lỏng làm giảm hấp thu vitamin A nên lưu ý không sử dụng đồng thời với nhau.
– Các thuốc uống tránh thai có thể làm tăng nồng độ vitamin A trong huyết tương.
Vitamin B6(pyridoxine):
Vitamin B6là vitamin tan trong nước, có nhiều trong thịt, cá, ngũ cốc, rau quả. Vitamin B6có vai trò quan trọng trong dẫn truyền thần kinh và tạo ra hồng cầu cho cơ thể. Khi cơ thể thiếu hụt vitamin B6sẽ gây ra các triệu chứng nhức đầu, thiếu máu, co giật, bong da…
Cần lưu ý: tránh kết hợp vitamin B6với levodopa hoặc phenytoin do ức chế sự hoạt động của hai loại thuốc này và làm giảm tác dụng.
Vitamin E (tocopherol):
Vitamin E là vitamin tan trong dầu, có nhiều trong dầu thực vật, các hạt ngũ cốc, mầm lúa mì và các quả hạch. Vitamin E là chất chống oxy hóa rất quan trọng, giúp bảo vệ tế bào và các mô của cơ thể khỏi bị tấn công bởi các phân tử gốc tự do. Khi cơ thể bị thiếu hụt vitamin E sẽ gây ra một số bệnh lý như: xơ vữa động mạch (atherosclerosis), bệnh Alzheimer, ung thư…
Cần lưu ý: vitamin E sẽ làm gia tăng nguy cơ chảy máu khi kết hợp với warfarin (thuốc chống đông máu) hoặc aspirin (thuốc chống kết tập tiểu cầu).
Vitamin K (phytomenadione, menaquione):
Vitamin K là vitamin tan trong dầu, có trong các loại rau lá xanh và gan, thịt. Vitamin K góp phần cho sự tạo thành prothrombin trong gan, có vai trò thiết yếu cho quá trình đông máu.
Cần lưu ý vitamin K làm giảm tác dụng của warfarin nên không được sử dụng chung với nhau.
Vitamin PP (niacin):
Vitamin PP (còn gọi là vitamin B3) là vitamin thuộc nhóm B tan trong nước, có trong thịt, trứng, sữa, cá, rau xanh, ngũ cốc. Vitamin PP cần thiết để tạo ra năng lượng cho sự hoạt động cùa các tế bào trong cơ thể và sản sinh ra các axít béo.
Khi cơ thể thiếu hụt vitamin PP sẽ gây ra bệnh Pellagra với các triệu chứng viêm da ở vùng không che phủ, suy nhược, tiêu chảy…
Cần lưu ý khi kết hợp vitamin PP với các thuốc sau:
– Nhóm thuốc statin(Simvastatin, Lovastatin…) khi kết hợp với vitamin PP, có thể làm gia tăng nguy cơ gây tiêu cơ vân (rhabdomyolysic).
– Với thuốc điều trị cao huyết áp:vitamin PP là thuốc gây giãn mạch, thường gây ra hiện tượng đỏ bừng mặt và hạ huyết áp. Vì vậy tránh kết hợp vitamin PP với thuốc điều trị cao huyết áp vì có thể gây ra hạ huyết áp quá mức.
– Với các thuốc chống đông máu(warfarin, dicoumarol…): nên tránh kết hợp với vitamin PP, Do vitamin PP làm tăng tác dụng của thuốc chống đông máu, gia tăng nguy cơ gây chảy máu.
Axít folic:
Axít folic (còn gọi là vitamin B9) là vitamin tan trong nước, có trong rau qủa, ngũ cốc, gan, thịt. Axít folic cần thiết cho quá trình tạo máu và tổng hợp axít nucleic trong cơ thể. Nhu cầu axít folic tăng cao ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Khi mang thai, nếu cơ thể ngưởi mẹ bị thiếu axít folic, trẻ sinh ra có nguy cơ bị khuyết tật ống thần kinh. Và khi cơ thể không được cung cấp đầy đủ axít folic trong thời gian dài, sẽ gây ra bệnh thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ (Megaloblastic anemia).
Cần lưu ý khi kết hợp axít folic với các thuốc sau:
– Khi kết hợp với sulfasalazin hoặc các thuốc tránh thai, axít folic có thể bị giảm hấp thu trong cơ thể.
– Với các thuốc chống co giật như phenytoin, nồng độ các thuốc này sẽ bị giảm đi khi hấp thu trong cơ thể.
– Khi kết hợp với cotrimoxazol sẽ làm giảm tác dụng điểu trị bệnh thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ của axít folic.
Với những lưu ý trên cho thấy việc sử dụng thuốc bổ sung vitamin cũng cần phải hết sức thận trọng. Một chế độ dinh dưỡng phong phú, đầy đủ các chất sẽ là cách bổ sung vitamin hiệu quả và an toàn nhất cho cơ thể!
DS. MAI XUÂN DŨNG
2/ Dùng liên tục vitamin C gây hại gì?
Có thể nói vitamin C là một trong những vitamin rất cần thiết cho cơ thể, như giúp cho sự tạo thành colagen, tu sửa mô trong cơ thể và tham gia trong một số phản ứng ôxy hóa – khử; tham gia trong chuyển hóa nhiều chất như acid folic, histamin, sắt… và thuốc; tổng hợp lipid, protein và trong sử dụng carbohydrat mà chúng ta nạp vào hàng ngày; tăng khả năng miễn dịch, sức đề kháng của cơ thể với nhiễm khuẩn; giữ gìn sự toàn vẹn của mạch máu và hô hấp tế bào… Nếu cơ thể thiếu hụt vitamin C sẽ dẫn đến bệnh scorbut, trong đó có sự sai sót tổng hợp colagen với biểu hiện là không lành vết thương, khiếm khuyết về cấu tạo răng, vỡ mao mạch gây nhiều đốm xuất huyết, đám bầm máu, chảy máu dưới da và niêm mạc (thường là chảy máu lợi). Và khi bổ sung vitamin C sẽ làm mất hoàn toàn các triệu chứng do thiếu hụt vitamin C nói trên.
Trong trường hợp của bạn bị chảy máu chân răng, xuất hiện vết bầm tím dưới da, uống vitamin C vào thấy hết các triệu chứng này, rất có thể lúc đó cơ thể bạn bị thiếu loại vitamin này. Tuy nhiên, chỉ bổ sung khi cơ thể bị thiếu hụt. Nếu dùng vitamin C kéo dài, liều cao có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như gây hiện tượng nhờn thuốc, do đó khi giảm liều sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin C; tăng nguy cơ sỏi thận (vitamin C có thể gây acid – hóa nước tiểu, đôi khi dẫn đến kết tủa urat hoặc cystin hoặc sỏi oxalat, hoặc thuốc trong đường tiết niệu); huyết khối tĩnh mạch sâu… Người bệnh thiếu hụt glucose – 6 – phosphat dehydrogenase dùng liều cao vitamin C tiêm tĩnh mạch hoặc uống có thể bị chứng tan máu.
Ngoài ra, người dùng có nguy cơ cao gặp các tác dụng phụ của thuốc như buồn nôn, nôn, ợ nóng, co cứng cơ bụng, mệt mỏi, đỏ bừng, nhức đầu, mất ngủ, tiêu chảy… Vì vậy không nên lạm dụng vitamin C bằng thuốc.
DS. Hoàng Thu Thuỷ
3/ Bổ sung sắt ở thai phụ: Cần lưu ý gì để đạt hiệu quả?
Vai trò của sắt đối với phụ nữ mang thai
Sắt là một trong những chất khoáng rất quan trọng đối với cơ thể con người, đặc biệt là phụ nữ có thai vì khi có thai, dự trữ sắt có sẵn trong cơ thể không đáp ứng nhu cầu tạo hồng cầu ngày càng nhiều để nuôi thai. Trong những tháng đầu tiên của thai kỳ, việc thiếu sắt dễ gây sẩy thai hoặc thai bị chết lưu. Đến những giai đoạn sau, thiếu sắt có thể dẫn đến hiện tượng đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai. Đối với người mẹ, nếu thiếu sắt khi mang thai, bà bầu sẽ cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt và có khi còn ngất xỉu. Nếu thiếu sắt trong giai đoạn sinh nở có thể sẽ bị băng huyết sau khi sinh, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Lưu ý nào cần chú ý khi dùng thuốc sắt?
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, muốn duy trì một thai kỳ khỏe mạnh, người mẹ mang thai nên bổ sung ít nhất 27mg chất sắt mỗi ngày (không vượt quá 45mg) và dùng trong suốt thời kỳ mang bầu, liều lượng phù hợp với từng trường hợp phải do bác sĩ khám và chỉ định. Thông thường nhất là bổ sung bằng thực phẩm. Bên cạnh đó là việc dùng thuốc sắt. Trên thị trường hiện nay, sắt II sulfat thường được phối hợp với acid folic, vitamin C, vitamin nhóm B… do sự phối hợp này làm tăng tác dụng của thuốc. Khi dùng thuốc cần chú ý:
Những điều nên làm
Thời gian uống thuốc trong ngày:Thuốc được hấp thu tốt hơn nếu uống lúc đói, nên thường uống thuốc trước khi ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 2 giờ. Uống liên tục trong suốt thời kỳ có thai cho đến 1 tháng sau khi sinh.
Cách thức dùng thuốc:Uống thuốc với ít nhất nửa cốc nước. Không uống thuốc khi nằm. Không nhai viên thuốc khi uống.
Giữ khoảng cách với thuốc chứa canxi:Nếu phải bổ sung đồng thời sắt và canxi, bạn nên uống hai loại thuốc này cách xa nhau. Ví dụ, nếu sau bữa sáng, bạn uống canxi thì nên uống sắt vào bổi chiều (sau ăn trưa 2 giờ). Đồng thời nên hạn chế uống sắt hoặc canxi vào trước giờ đi ngủ vì chúng có thể gây nóng người khiến giấc ngủ không sâu.
Những điều không nên làm
Uống thuốc với nước trà (chè):Phụ nữ mang thai không nên uống sắt với nước chè vì chè cản trở sự hấp thu sắt mà nên uống với nước lã đun sôi để nguội.
Uống chung với một số thuốc khác:Đặc biệt là các thuốc kháng axit trị viêm loét dạ dày – tá tràng vì làm cho sắt không được hấp thu và không uống chung với tetracyclin vì làm cho cả hai thuốc đều bị giảm hấp thu.
Đối phó với các vấn đề xảy ra khi dùng thuốc sắt
Các viên sắt cổ điển thường gây ra các vấn đề như khó chịu ở dạ dày, nóng ngực, có vị tanh kim loại ở miệng, đặc biệt là gây táo bón. Nguyên nhân là do cơ thể hấp thu kém hầu hết các dạng sắt, do đó khi sử dụng, một lượng lớn sắt bị đào thải ra ngoài theo đường tiêu hóa. Chính lượng sắt thừa này sẽ gây nên các tác dụng không mong muốn như trên. Do vậy, để hạn chế các tác dụng phụ này, phụ nữ mang thai nên thực hiện một số biện pháp sau:
Để giảm táo bón:Nên uống nhiều nước, bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ hoặc có thể uống các loại thuốc trị táo bón theo đơn của bác sĩ.
Giải quyết tình trạng ợ nóng, khó chịu ở bụng, buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy:Để đối phó với tình trạng này, phụ nữ mang thai thử bổ sung sắt vào các thời điểm khác nhau trong ngày để tìm ra thời điểm thích hợp nhất.
Giải pháp khác:Bạn có thể giảm liều lượng để cơ thể làm quen rồi từ từ tăng dần hoặc thử chia nhỏ lượng sắt cần uống thành nhiều liều để giảm thiểu sự khó chịu. Nếu các phương pháp này đều không hiệu quả, phụ nữ mang thai có thể tìm cách bổ sung một phần hoặc toàn bộ lượng sắt cần thiết qua thực phẩm. Một giải pháp khác là dùng các loại thuốc có hoạt tính chậm hơn.
Điều gì xảy ra khi bổ sung sắt quá mức?
Khi bổ sung sắt quá mức có thể dẫn tới tăng nồng độ sắt tự do và tăng nồng độ huyết sắc tố trong máu người mẹ làm cản trở quá trình cung cấp máu từ mẹ sang con, dẫn đến tình trạng bị sinh non, thiếu cân và tăng nguy cơ tử vong cho sản phụ. Về lâu dài, lượng sắt dư thừa được tích lũy trong gan và lá lách, nếu tích lũy kéo dài có thể dẫn tới suy gan, suy lách, đái tháo đường do rối loạn chức năng tụy, có thể làm rối loạn chức năng tim mạch và hàng loạt các biến chứng khác.
Dấu hiệu của bà bầu khi bị thừa sắt, nếu nhẹ có thể nôn, tiêu chảy hoặc táo bón, nếu nặng có thể đi tiểu ra máu, đau bụng… Nếu thấy như vậy, bà bầu trước hết cần ngưng uống thuốc bổ sung sắt và nhanh chóng đi khám chuyên khoa sản phụ để được xử trí kịp thời.
TS. BS. Đặng Bùi Bảo Linh
4/ Cẩn trọng khi dùng thuốc trị nấm fluconazole
Fluconazole là thuốc được dùng trong các trường hợp sau: điều trị các bệnh nấm Candida ở miệng – họng, thực quản, âm hộ – âm đạo và các bệnh nhiễm nấm Candida toàn thân khác; Một số bệnh nấm da (nấm da đầu, thân, đùi, chân…) gây ra bởi Epidermophyton, Microsporum, Trichophyto; dự phòng nhiễm nấm Candida cho bệnh nhân ghép tạng (ghép tủy, ghép gan…), bệnh nhân ung thư và phòng các bệnh nhiễm nấm trầm trọng ở người bệnh nhiễm HIV.
Thuốc được dùng theo đường uống hoặc truyền tĩnh mạch. Tuy nhiên, chỉ truyền tĩnh mạch cho người bệnh không dung nạp hoặc không thể dùng thuốc bằng đường uống và việc dùng thuốc theo đường tĩnh mạch phải được thực hiện tại cơ sở y tế. Đối với dạng thuốc uống, thời điểm uống fluconazole không liên quan đến bữa ăn (nghĩa là thức ăn không ảnh hưởng tới sự hấp thu thuốc nên có thể uống thuốc vào lúc nào cũng được). Liều dùng và thời gian điều trị bác sĩ sẽ tùy thuộc vào dạng và mức độ bệnh, loại nấm gây bệnh, chức năng thận và đáp ứng của người bệnh với thuốc. Việc điều trị phải liên tục cho đến khi biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm chứng tỏ bệnh đã khỏi hẳn. Nếu người bệnh tự ý bỏ thuốc, điều trị không đủ thời gian có thể làm cho bệnh tái phát.
Cần lưu ý, chỉ dùng fluconazole khi người bệnh không dung nạp các thuốc trị nấm thông thường hoặc khi các thuốc trị nấm thông thường này không có tác dụng. Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc (hay xảy ra hơn ở những người bệnh dùng thuốc trên 7 ngày). Các tác dụng phụ thường gặp như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, nổi ban da, ngứa. Ngoài ra, ở người nhiễm HIV và ung thư hay gặp biểu hiện da bị tróc vảy… Đây là những tác dụng phụ mà người bệnh dễ nhận biết. Trong quá trình dùng thuốc nếu thấy có các biểu hiện trên người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết để được xử trí kịp thời, thích hợp vì có những trường hợp gặp tác dụng phụ nặng cần phải ngừng thuốc.
Đối với người mang thai, hiện vẫn chưa có các nghiên cứu đầy đủ và có kiểm soát chặt chẽ về việc dùng fluconazol cho đối tượng này, nhưng thực tế đã có thông báo về dị dạng bẩm sinh tại nhiều bộ phận ở trẻ có mẹ dùng fluconazol liều cao để điều trị nấm trong 3 tháng đầu thai kỳ. Vì vậy, chỉ nên dùng thuốc này cho người mang thai khi lợi ích điều trị lớn hơn nguy cơ có thể xảy ra cho thai nhi. Phụ nữ cho con bú cũng không nên dùng thuốc này.
Dược sĩ Thu An
Thảo luận về điều này post