Tuy nhiên, gần đây có nhiều trường hợp gặp phản ứng phụ khi dùng loại kháng sinh này, trong đó có sốc phản vệ. Vì vậy, mới đây Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã đưa ra khuyến cáo đặc biệt đối với loại kháng sinh này.
Cefotaxim là một loại kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 3, so với các cephalosporin thế hệ 1, 2 thì cefotaxim có tác dụng lên vi khuẩn gram âm mạnh hơn, bền hơn đối với tác dụng thủy phân của phần lớn các beta lactamase, nhưng tác dụng lên các vi khuẩn gram dương lại yếu hơn các cephalosporin thuộc thế hệ 1.
Cefotaxim được chỉ định điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nặng và nguy kịch do vi khuẩn nhạy cảm với cefotaxim, bao gồm áp-xe não, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng trong tim, viêm màng não (trừ viêm màng não do Listeria monocytogenes), viêm phổi, bệnh lậu, bệnh thương hàn, điều trị tập trung, nhiễm khuẩn nặng trong ổ bụng (phối hợp với metronidazol) và dự phòng nhiễm khuẩn sau mổ tuyến tiền liệt kể cả mổ nội soi, mổ lấy thai.
Xử trí một trường hợp sốc phản vệ do thuốc tại Bệnh viện Bạch Mai.
Những nguy cơ khi dùng
Tác dụng không mong muốn hay gặp nhất của cefotaxim trên đường tiêu hóa là tiêu chảy. Có thể gặp viêm tắc tĩnh mạch tại chỗ tiêm, đau và có phản ứng viêm ở chỗ tiêm bắp. Các tác dụng phụ ít gặp hơn ở đường máu như: giảm bạch cầu ưa eosin hoặc giảm bạch cầu nói chung làm cho test Coombs dương tính. Trên đường tiêu hóa, thuốc thay đổi vi khuẩn chí ở ruột và có thể bị bội nhiễm do vi khuẩn kháng thuốc như Pseudomonas aeruginosa, Enterobacter spp… Hiếm gặp hơn là giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu hạt, thiếu máu tan máu. Trên đường tiêu hóa: viêm đại tràng có màng giả do Clostridium difficile; tại gan: tăng bilirubin và các enzym của gan trong huyết tương.
Trong phần tác dụng phụ của thuốc cũng đã đề cập đến nguy cơ sốc phản vệ, các phản ứng quá mẫn khi dùng nhưng rất hiếm gặp. Vì vậy khi dùng thuốc này cần lưu ý, đối với các chế phẩm cefotaxim có chứa lidocain chỉ được dùng để tiêm bắp và không bao giờ được tiêm tĩnh mạch; trước khi bắt đầu điều trị bằng cefotaxim, phải điều tra kỹ về tiền sử dị ứng của người bệnh với cephalosporin, penicilin hoặc thuốc khác; có dị ứng chéo giữa penicilin với cephalosporin trong 5-10% trường hợp. Phải hết sức thận trọng khi dùng cefotaxim cho người bệnh bị dị ứng với penicillin; nếu đồng thời dùng thuốc có khả năng gây độc đối với thận (ví dụ như các aminoglycosid) thì phải theo dõi kiểm tra chức năng thận.
Và cảnh báo mới…
Theo báo cáo tổng kết hoạt động báo cáo phản ứng có hại của thuốc những năm gần đây của Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc cho thấy, các thuốc chứa cefotaxim là thuốc được các cơ sở khám, chữa bệnh báo cáo nghi ngờ gây ra ADR (tác dụng không mong muốn) nhiều nhất trong các năm 2012, 2013, 2014 và 2015. Trong đó, các phản ứng có hại được ghi nhận chủ yếu là sốc phản vệ/phản ứng phản vệ (bao gồm cả tử vong), ban đỏ, ngứa, phát ban, dị ứng…
Để đảm bảo sử dụng các thuốc chứa cefotaxim an toàn, hợp lý, Mới đây, Cục Quản lý Dược đã có Công văn số 3447/QLD-TT đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ phải thông báo cho các cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị kinh doanh dược trên địa bàn thông tin nêu trên và khuyến cáo: tuân thủ chỉ định, chống chỉ định, thận trọng, liều dùng của thuốc, chú ý tương tác thuốc khi kê đơn thuốc có chứa cefotaxim; chỉ sử dụng thuốc sau khi đã khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân, thận trọng khi cần sử dụng thuốc có chứa cefotaxim cho những đối tượng bệnh nhân có nguy cơ xảy ra ADR; tăng cường tuân thủ Hướng dẫn sử dụng kháng sinh ban hành kèm theo Quyết định số 708/QĐ-BYT ngày 02/3/2015 nói chung, đặc biệt nội dung hướng dẫn tiêm/truyền thuốc có chứa cefotaxim. Hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn phối hợp các đơn vị kinh doanh thuốc có chứa cefotaxim tăng cường theo dõi, phát hiện và xử trí các trường hợp xảy ra phản ứng có hại của các thuốc chứa cefotaxim (nếu có).
Mai Phương
Thảo luận về điều này post