Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỉ lệ béo phì chung trên toàn thế giới đã tăng gần gấp 3 lần kể từ năm 1975 và đã tăng gần gấp 5 lần ở trẻ em và trẻ vị thành niên trong khoảng thời gian này. Số liệu năm 2022 của WHO cho thấy: Toàn thế giới có 2,5 tỉ người lớn bị thừa cân, trong đó 890 triệu người bị béo phì; hơn 390 triệu trẻ em trong độ tuổi 5-19 tuổi bị thừa cân trong đó có 160 triệu em bị béo phì. Tỉ lệ béo phì được dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng và theo trang web Ngày Thế giới phòng chống béo phì (https://www.worldobesityday.org), ước tính năm 2035 sẽ có 1,9 tỉ người bị béo phì và tỉ lệ béo phì trẻ em sẽ gia tăng 100% trong giai đoạn từ 2020 đến 2035.
Khảo sát năm học 2023-2024 ở 3005 học sinh tại 15 trường Trung học cơ sở thành phố Đà Nẵng do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng TKSBT) thực hiện trong khuôn khổ Dự án thành phố thân thiện với trẻ em – Thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2023-2026 cho thấy tỉ lệ thừa cân – béo phì chung của học sinh THCS là 33,5%, trong đó tỉ lệ thừa cân là 21,7%, tỉ lệ béo phì là 11,8%.
Ngày 4/3 hàng năm được chọn làm Ngày Thế giới phòng chống béo phì, qua đó phát động nhiều chương trình và chiến dịch kêu gọi toàn cầu cùng chia sẻ kiến thức, vận động và nhìn nhận béo phì từ mọi góc nhìn khác nhau để có cách tiếp cận phù hợp nhằm giải quyết các vấn đề về béo phì.
Thế giới cần coi béo phì là bệnh nghiêm trọng và phức tạp, mở rộng khả năng tiếp cận y tế cho người béo phì, tăng cường nhận thức về béo phì thông qua các chương trình và giáo dục, ứng xử với béo phì dựa trên căn cứ khoa học.


Thảo luận về điều này post